Hội thảo khoa học ứng dụng công nghệ kết cấu thép của Nhật Bản

Ngày đăng: 04/07/2014 - Danh mục: Tin tức chung

Ngày 13/6/2014, tại Hà Nội, Hội khoa học kỹ thuật (KHKT) Cầu đường Việt Nam và công ty Nippon Steel & Sumikin Metal Representavive Office Nhật Bản (NSMP) đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Ứng dụng kết cấu thép nhằm nâng cao an toàn giao thông và giảm thiểu tác động môi trường”.

4

Chủ tịch Ngô Thịnh Đức (hàng đầu, thứ ba bên phải) tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo Chủ tịch Trung ương Hội KHKT Cầu đường Việt Nam (VIBRA), nguyên thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức đã gửi lời chúc mừng đến Ông Noriyuki Kawabata, các quý vị đại biểu đã đến và tham dự buổi Hội thảo và điều hành hội thảo.
Hội thảo lần này là hoạt động hợp tác về KHCN giữa Hội KHKT Cầu đường Việt Nam và Công ty NSMP về những vấn đề thời sự đang được dư luận và xã hội quan tâm,đã được các tác giả của hai bên phân tích, đánh giá và trao đổi thông qua các báo cáo:
- Tổng quan về nhu cầu sử dụng kết cấu thép trong công trình gia cố nền móng và xử lý đất sụt trượt ở Việt Nam;
- Hiện trạng ô nhiễm tiếng ồn do giao thông tại Hà Nội và về tường hộ lan ATGT trên các tuyến đường bộ Việt Nam;
- Các vấn đề an toàn, môi trường và mỹ quan công trình (tường chống ồn, thanh hộ lan, công nghệ cốp pha mới, đảm bảo mỹ quan công trình bê tông);
- Công nghệ địa kĩ thuật giao thông (sạt trượt đất, lũ quét, cọc cừ thép mới trong thi công nền móng cầu đường).
Thay mặt Hội KHKT Cầu đường Việt Nam, Phó chủ tịch Hội KHKT Cầu đường Việt Nam, PGS. TS. Doãn Minh Tâm đã trình bày báo cáo: “Tổng quan về nhu cầu sử dụng kết cấu thép trong công trình gia cố nền móng và xử lý đất sụt trượt ở Việt Nam”.
Theo số liệu thống kê của Bộ GTVT, đến năm 2010, tổng chiều dài mạng lưới quốc lộ của Việt Nam vào khoảng 17.000km, chiếm tỷ lệ 7,8% tổng chiều dài mạng lưới đường bộ ở Việt Nam. Trong đó, 3/4 chiều dài các tuyến quốc lộ đi qua địa hình vùng núi và có nhiều tuyến đi qua vùng có cấu trúc địa hình địa chất phức tạp, do đó thường xuyên gây ra hiện tượng đất sụt về mùa mưa bão hàng năm. Còn lại trong số 1/4 các tuyến quốc lộ đi trên địa hình đồng bằng, khoảng 30% các tuyến này đi trên vùng có cấu tạo trầm tích sông biển, hình thành nên các vùng đất yếu, ảnh hưởng tới sự ổn định của các công trình giao thông.
Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu khả năng ứng dụng kết cấu thép vào trong lĩnh vực phòng chống đất sụt trên đường giao thông ở Việt Nam, đề ra một giải pháp kết cấu mới với phạm vi áp dụng phù hợp, có thể áp dụng tốt trong điều kiện Việt Nam.
Qua các ý kiến trao đổi, thảo luận tại hội thảo, của các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia Nhật Bản thấy rằng: các loại kết cấu thép như tường chống ông giao thông, hộ lan ống, đập ngăn lũ quét và neo ổn định mái đất có thể đáp ứng điều kiện kinh tế kĩ thuật về an toàn giao thông tại Việt Nam đồng thời đảm bảo thân thiện với môi trường cảnh quan. Ngoài ra, hai công nghệ mới là cọc từ thép cán nguội và cốp pha lắp ghép có chất lượng Nhật Bản nhưng giá thành tương đương hay rẻ hơn so với công nghệ hiện hành và đặc biệt đang trong giai đoạn chuyển giao công nghệ sản xuất tại Việt Nam hứa hẹn sẽ đem lại những bước tiến mới trong kĩ thuật thi công công trình giao thông.
Hội KHKT Cầu đường Việt Nam, Ban Tổ chức Hội thảo xin kiến nghị với lãnh đạo Bộ giao thông vận tải với những điểm sau:
- Tạo điều kiện phổ biến ứng dụng công nghệ mới về kết cấu thép;
- Cần thiết phải nghiên cứu khả năng ứng dụng kết cấu thép vào trong lĩnh vực phòng chống đất sụt trên đường giao thông ở Việt Nam, đề ra một giải pháp kết cấu mới với phạm vi áp dụng phù hợp, có thể áp dụng tốt trong điều kiện Việt Nam;
- Ô nhiễm tiếng ồn đang là mối nguy cơ lớn tác động tới sức khỏe người dân, đặc biệt là khu vực đô thị. Việc xây dựng bản đồ o nhiễm tiếng ồn và dựng tiêu chuẩn ồn dọc hai bên đường giao thông vận tải tại Việt Nam là rất cần thiết nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân hai bên đường; là định hướng cho công tác quy hoạch và xây dựng mạng lưới đường giao thông; đường giao thông đô thị theo hướng phát triển bền vững;
- Tường hộ lan là một trong những công trình đảm bảo an toàn giao thông quan trọng trên các tuyến đường, do vậy cần có những nghiên cứu đánh giá đầy đủ về tường hộ lan nhằm xây dựng hệ thống đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường theo hướng hiện đại, đồng bộ và đảm bảo về mĩ quan, chất lượng;
- Xin tiến hành việc nghiên cứu ứng dụng thử nghiệm tường chống ồn ở quy mô nhỏ tại khu vực trung tâm Thành phố. Đồng thời cho phép tiến hành nghiên cứu các tiêu chuẩn kĩ thuật liên quan đến việc đánh giá hiệu quả và thiết kế, lắp đặt hệ thống tường chống ồn;
- Xin ứng dụng thử nghiệm các công nghệ mới neo nho bảo vệ mái và đập chống lũ quét tại một vài vị trí trọng yếu thường xuyên xảy ra các loại thảm họa lũ quét, sạt lở đất;
- Hỗ trợ cho việc nghiên cứu so sánh ưu điểm của các công nghệ thi công bằng cọc từ cán nguội bản rộng và cốp pha lắp ghép nhằm tiến đến việc nâng cấp công nghệ thi công cọc cừ và thi công bê tong trong ngành giao thông…
Thay mặt HKHKT Cầu đường Việt Nam, Chủ tịch Ngô Thịnh Đức cảm ơn Lãnh đạo Bộ GTVT, các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ đầu tư, các nhà tài trợ,… đã ủng hộ, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức Hội thảo; đồng thời cảm ơn các đơn vị, các tác giả, ban biên tập, các cán bộ khoa học… đã tham gia tích cực và có những đóng góp quý báu, góp phần vào sự thành công của Hội thảo.

 

Bài viết liên quan

Sản phẩm tiêu biểu